Nhân giống cây keo lai cấy mô
15/10/ 2009 (GMT+7)

Từ trước đến nay, người trồng rừng kinh tế bằng cây keo lai, chủ yếu là dùng cây giống giâm hom. Do loại cây giống giâm hom có nhiều hạn chế, nên xu hướng thay bằng giống cấy mô đang bắt đầu phát triển.

Phòng nuôi cấy mô Doanh nghiệp Nguyên Hạnh

Phòng nuôi cấy mô tế bào, nhân giống cây keo lai của Doanh nghiệp Nguyên Hạnh,
có quy mô 4 triệu cây/năm. Ảnh: H.L

Thấy được hạn chế của cây giống keo lai giâm hom, từ đầu năm 2009, doanh nghiệp (DN) tư nhân giống cây trồng Nguyên Hạnh (ở Phước An - Tuy Phước) bắt đầu phát triển cây giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Đây là cơ sở đầu tiên phát triển cây giống cấy mô trồng rừng keo lai trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Để chuẩn bị cho việc phát triển cây keo cấy mô, từ tháng 5.2008, DN Nguyên Hạnh đã đầu tư hàng chục bình giống gốc để lập vườn giống gốc đầu dòng, lấy giống nuôi cấy mô các giống keo lai: BV10, BV16, BV32. Tất cả các bình giống này đều được mua ở Trung tâm giống của Viện Lâm nghiệp Việt Nam (Hà Nội).

Cây keo ươm theo phương pháp giâm hom có nhược điểm: không có rễ cọc, chỉ có rễ chùm nên dễ đổ ngã, thân giòn, dễ gãy, thường chẻ ngọn thành 2-3 nhánh, khi gió mạnh dễ bị tướt nhánh. Sau khi trồng chừng 2 năm, cây ra hoa nhưng tốc độ phát triển chậm. Trong khi đó, cây keo ươm theo phương pháp nuôi cấy mô có ưu điểm hơn như: thân thường lên thẳng, ít phân cành, không chẻ thân, có rễ cọc chắc chắn, thân không giòn, chịu được gió mạnh, ít đổ ngã. Do các đặc tính ưu việt này mà giống keo lai cấy mô có thể trồng thành cây lâu năm lấy gỗ, nâng cao giá trị kinh tế.

Bà Phan Thị Hạnh, chủ doanh nghiệp Nguyên Hạnh, cho biết: "Cây keo dùng phương pháp giâm hom chỉ có rễ chùm, thân dẹp, không bẻ cong gấp được. Còn cây keo nhân giống từ cấy mô có rễ cọc dài, thân tròn, bẻ cong gấp không gãy. Do dùng giống đầu dòng, cây keo cấy mô được "trẻ hóa" vì được trồng từ cây non. Còn cây keo giâm hom do cây mẹ được lấy giống nhiều lần, lấy chồi trong vài ba năm, nên cây con có tuổi ít nhất cũng là vài ba năm. Do vậy, khi trồng cây thường ra hoa sớm, ra cành nhánh nhiều, nhưng cây lâu lớn, thân xốp, không thể trồng lâu năm thành cây lấy gỗ xẻ dân dụng được".

Cây keo giống cấy mô có giá khá cao, từ 1.300 - 1.500 đồng/cây, gấp đôi cây keo giống giâm hom. Tuy nhiên, cây keo giống cấy mô sinh trưởng nhanh, tỉ lệ cây sống cao, mật độ trồng chỉ 1.600 cây/ha (keo giâm hom 2.200cây/ha). Như vậy, trên cùng một diện tích, chi phí phải đầu tư thêm cho cây giống cấy mô không cao lắm, mà hiệu quả thu được rất lớn. Do đó, hiện nay một số đơn vị trong và ngoài tỉnh đã đặt mua cây keo giống cấy mô thay cho cây keo giâm hom. Đến nay, DN Nguyên Hạnh đã xuất bán lứa đầu tiên với 200 ngàn cây keo cấy mô cho các tỉnh Thừa Thiên-Huế, ĐắkLắk… Tuy trồng trên đất đồi bình thường nhưng cây keo giống nuôi cấy mô phát triển rất mạnh. Sau 5 tháng trồng, cây cao khoảng 2,5m, phát triển nhanh hơn keo giâm hom.

Ở các nước trong khu vực nói chung và nước ta nói riêng, xu hướng phát triển trồng rừng lấy gỗ đang được khuyến khích vì diện tích rừng tự nhiên đang bị thu hẹp, trong khi nhu cầu dùng gỗ ngày càng lớn. Tỉnh ta cũng là nơi có nền công nghiệp chế biến đồ gỗ ngoài trời rất phát triển so với cả nước, hàng năm cần hàng ngàn mét khối gỗ nguyên liệu. Đây là điều kiện thúc đẩy việc phát triển trồng rừng lấy gỗ.

Hiện tại, DN Nguyên Hạnh đang đầu tư một số thiết bị (nồi hấp, tủ cấy…) để mở rộng quy mô phòng cấy mô, nâng diện tích phòng nuôi cấy mô để phát triển cây giống cấy mô keo lai lên 4 triệu cây vào năm tới.

(trích từ Báo Bình Định)